• Indonesia tạo ra 3,2 triệu tấn chất thải mỗi năm, gần một nửa số đó được thải ra biển.
• Khi Rudi Hartono mặc trang phục Người Nhện để thu gom rác trong cộng đồng ven biển của mình, anh ấy khuyến khích những người khác làm điều tương tự.
Rudi Hartono – một nhân viên quán cà phê ở Indonesia đã phải rất cố gắng để thuyết phục người dân ở thành phố biển Parepare cùng anh ấy dọn rác trên đường phố và bãi biển – cho đến khi anh hóa trang thành Người Nhện (Spider-man).
“Lúc đầu, tôi thu gom rác nhưng không mặc bộ đồ ấy và nó không thu hút được sự chú ý của mọi người để họ cùng tôi nhặt rác”, Hartono – một người đàn ông 36 tuổi trong bộ đồ màu đỏ và xanh dương của Người Nhện cho biết.
“Sau khi mặc trang phục này, phản ứng của mọi người lại trở nên hết sức đặc biệt”, anh nói thêm.
Image: REUTERS/Stringer
Nhiều khu vực của Indonesia phải chịu tổn thất ít nhiều từ khâu tổ chức các dịch vụ công cộng cho việc xử lý rác, đặc biệt là rác thải nhựa thải ra các con sông hoặc đại dương.
Theo một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Science, Indonesia – quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới – tạo ra 3,2 triệu tấn rác thải mỗi năm, gần một nửa trong số đó được thải ra biển.
Hartono thường thu gom rác thải trong bộ đồ Người Nhện trước khi công việc ở quán cà phê của anh bắt đầu lúc 7 giờ tối, những nỗ lực của anh đã làm cho vấn đề rác thải của Indonesia nổi bật lên trên toàn quốc. Anh đã đuợc các tờ báo phỏng vấn và được xuất hiện trên các chương trình truyền hình trong trang phục của anh hùng nhà Marvel để giải thích về động lực của mình.
Image: REUTERS/Stringer
Anh thừa nhận rằng, ban đầu anh chỉ mua bộ trang phục đó để chơi với cháu trai của mình, trước khi người dân ở đó chú ý đến anh.
“Chúng tôi cần một mô hình sáng tạo để thúc đẩy xã hội tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường”, ông Saiful Bahri, cư dân của Parepare ở Tây Nam Sulawesi nói.
Với dân số khoảng 142.000 người, Parepare thải ra khoảng 2,7 tấn rác thải không được quản lý mỗi ngày, theo dữ liệu công bố năm 2018 của Bộ môi trường và lâm nghiệp.
Indonesia, một quần đảo gồm hơn 17.000 hòn đảo, được dự đoán sẽ trở thành nơi thải nhựa ra biển lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nghiên cứu cho biết thêm.
Hartono cho biết anh hy vọng chính phủ sẽ giảm bớt gánh nặng đằng sau những nỗ lực dọn dẹp rác và thắt chặt các quy tắc về quản lý chất thải, kể cả đối với túi nhựa sử dụng một lần.
“Bởi vì nhựa rất khó phân hủy, chính vì vậy, giảm thiểu chất thải nhựa là điều quan trọng nhất cần làm”, anh nói.