Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Rome - Ngành thủy sản đang ngày càng có những đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và sinh kế của người dân, tuy nhiên cần phải hành động nhiều hơn để cải thiện điều kiện làm việc vẫn còn đang nguy hiểm cho nhiều người, Phó Tổng Giám đốc FAO mảng Khí hậu và Tài nguyên thiên nhiên, Maria Helena Semedo, cho biết.
Semedo đã phát biểu tại một sự kiện đặc biệt của Ngày Thủy sản Thế giới 2019 do FAO, Vatican và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức tại Rome. Sự kiện này được tổ chức vào ngày bế mạc Hội nghị chuyên đề quốc tế về tính bền vững của ngư nghiệp do FAO tổ chức.
FAO đã làm việc chặt chẽ với chính phủ, các đối tác quốc tế và những người làm việc trong ngành để giải quyết việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được kiểm soát và đảm bảo cho quyền được bảo vệ của ngư dân.
"Mỗi một giờ có bốn ngư dân chết khi làm công việc của họ - không chỉ đàn ông, mà còn có phụ nữ nữa", Semedo nói. "Vi phạm nhân quyền và các hành vi không được chấp nhận ở các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị đang gia tăng trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản."
Đức ông Bruno Marie Duffé, Thư ký mảng thúc đẩy phát triển con người toàn diện của Tòa thánh Vatican, cũng tham gia vào sự kiện tập trung vào việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong chuỗi giá trị của đánh bắt thủy sản.
Duffé cho biết Đức Giáo hoàng Francis đã nói về sự cần thiết phải tiếp cận toàn diện hơn đối với hệ sinh thái trong cuốn bách khoa toàn thư, Laudato si và Giáo hội công giáo kêu gọi sự hiệp lực lớn hơn giữa chính phủ và chính quyền hàng hải để bảo vệ quyền con người và trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản.
"Cần phải duy trì sự cảnh giác đặc biệt đối với các tình huống nguy cấp nhất về tính chất dễ bị tác động, các tội phạm và sự nghèo đói", Duffé nói.
Đánh bắt thủy sản xa bờ và nội địa là rất quan trọng đối với thực phẩm và dinh dưỡng. Nhưng khoảng 33 phần trăm trữ lượng biển đang được đánh bắt ở mức độ không bền vững về mặt sinh học - gấp ba lần tỷ lệ được ghi nhận 40 năm trước. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng 20% vào năm 2025 khi dân số thế giới tăng. Hơn một phần mười dân số toàn cầu phụ thuộc vào đánh bắt thủy sản để kiếm sống và nuôi sống gia đình họ.
Semedo cho biết FAO nhận ra có mối liên hệ rõ ràng giữa các mối quan tâm an toàn và đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát trên biển. Cô kêu gọi hành động có hiệu quả hơn và rõ rệt hơn trong việc thúc đẩy sự bền vững và an toàn của ngư dân.
FAO đã phát triển một số công cụ quốc tế được thiết kế để thúc đẩy đối thoại, quy trình thiết lập chính sách và các hành động dẫn đến quản lý ngư nghiệp bền vững phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
FAO cũng đang làm việc với Giáo hội công giáo và ILO về các tài liệu hướng dẫn để hỗ trợ sự cho xã hội bền vững thông qua chuỗi giá trị từ thu hoạch cho đến sản xuất và chế biến.