Thoạt nhìn có thể hơi ngạc nhiên khi các yếu tố môi trường không có trong số 10 rủi ro hàng đầu được nhắc đến trong Báo cáo Các rủi ro khu vực đối với Việc Kinh Doanh năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, chúng ta có thể thấy rằng rủi ro môi trường - đặc biệt là các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu - chắc chắn rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, không chỉ các mối đe dọa vật lý ở các khu vực và quốc gia cụ thể, mà còn có rủi ro kinh tế liên quan đến chuyển đổi khí hậu.
Báo cáo này hoàn toàn trái ngược với Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của WEF (World Economic Forum – Diễn đàn kinh tế thế giới), trong đó rủi ro môi trường được xếp hạng cao nhất trên toàn cầu. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt một phần liên quan đến kết quả của các bài khảo sát làm cơ sở cho hai bài báo cáo này. Báo cáo mối nguy toàn cầu dựa vào Báo cáo Nhận thức các mối nguy toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, cuộc khảo sát này được điều hướng bởi mạng lưới các cổ đông toàn cầu của Diễn đàn, có nhân khẩu học rộng hơn, có sự tham gia của nhiều người trẻ hơn – những người hẳn là quan tâm đến các mối nguy về lâu về dài. Mặt khác, Báo cáo về các mối nguy khu vực đối việc thực hiện kinh doanh phản ánh ý kiến của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại, những người giữ trọng trách giải quyết các mối nguy ngắn hạn và cả dài hạn.
Các mối nguy vật lý của biến đổi khí hậu: mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu
“Các hiện tượng khí hậu cực đoan”, “thất bại trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu”, và “các thảm họa thiên nhiên” đã được xếp hạng trong 10 rủi ro hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Đông Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ trong Báo cáo Rủi ro Khu vực. Điều này phản ánh những điểm yếu của các quốc gia trong các khu vực này do khủng hoảng nước, hạn hán kéo dài và sự gia tăng nguy cơ tàn phá do cháy rừng hoặc bởi các tác động vật lý ngày một rõ ràng hơn của sự nóng lên toàn cầu như bão nhiệt đới và lũ lụt.
Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, các mối nguy môi trường là mối quan tâm hàng đầu đối với hoạt động kinh doanh, với “các thảm họa thiên nhiên” và “các hiện tượng thời tiết cực đoan”, xếp hạng lần lượt thứ nhất và thứ năm. Trên cơ sở quốc gia, “thảm họa thiên nhiên” đã xếp hạng đầu tiên tại Nhật Bản và New Zealand, xếp thứ ba tại Indonesia và Philippines . Những kết quả này hầu như không đáng ngạc nhiên, trong năm 2018, châu Á Thái Bình Dương đã phải đón nhận đến 50% các thảm họa thiên nhiên so với các thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới. Những thảm họa này là nguyên nhân của 80% tổng số ca tử vong toàn cầu do thiên tai, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người và gây thiệt hại tổng cộng 56,8 tỷ USD cho toàn khu vực.
Châu Á Thái Bình Dương không chỉ chịu thiệt hại đời sống nặng nề nhất, dân số đông và dễ bị tác động khiến khu vực này đặc biệt dễ bị tổn thất kinh tế khi có một hiện tượng cực đoan nào tác động. Công nghiệp hóa và đô thị hóa không có kế hoạch đã dẫn đến suy thoái môi trường, làm suy yếu hệ thống phòng thủ tự nhiên của khu vực chống lại thiên tai. Nếu không được kiểm soát, tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng khí hậu có nguy cơ làm xói mòn năng lực cạnh tranh kinh tế của Đông Á và Thái Bình Dương.
Ở các khu vực khác cũng vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều lo lắng về những mối nguy vật lý của biến đổi khí hậu. Ở Trung Đông và Châu Phi, khủng hoảng nước xếp thứ 7 trong top 10 mối nguy hàng đầu – điều này cũng không lạ đối với một khu vực khô cằn như vậy. Sa mạc hóa ở khu vực Sahel và vùng Sừng châu Phi (tên gọi khác của vùng Đông Bắc Phi, đôi khi là bán đảo Somalia) là dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến khu vực đó, cùng với sự tàn phá do siêu bão Idai gây ra vào tháng 3 năm 2019, chi phí thiệt hại ước tính lên đến 2 tỷ đô la. Theo báo cáo, tại khu vực châu Phi cận Sahara, “các hiện tượng thời tiết cực đoan” ở Bỉ và “thảm họa thiên nhiên”, đứng đầu danh sách ở Mauritius và Mozambique.
Mối nguy môi trường tiếp tục là một điểm mù đối với châu Phi, chúng có thể sẽ cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực này. Điều này được nhấn mạnh vào năm ngoái trong báo cáo về Biến đổi khí hậu và chi phí ở thủ đô của các nước đang phát triển của Trung tâm tài chính và đầu tư khí hậu Imperial College, nơi theo dõi mối liên hệ mật thiết giữa mối nguy khí hậu với lợi nhuận của sự phát triển trái phiếu thị trường.
Rủi ro chuyển đổi là 'ẩn' - nhưng rất thực tế đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
Một khía cạnh thú vị của báo cáo là mối liên kết mạnh mẽ được thể hiện giữa các rủi ro kinh tế, chẳng hạn như “cú sốc giá năng lượng”, và mối nguy chuyển đổi khí hậu. Khi các quốc gia chuyển sang nền kinh tế carbon thấp để theo đuổi các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm đi khiến các quốc gia sản xuất loại nhiên liệu này cũng bị ảnh hưởng theo. Sự căng thẳng giữa tính dễ bị tác động đối với các tác động vật lý của biến đổi khí hậu và các rủi ro chuyển đổi thể hiện rõ rệt ở Canada.
Bài báo cáo tiết lộ rằng, ở Canada, các giám đốc điều hành kinh doanh đã đánh giá rất cao các “hiện tượng thời tiết cực đoan” và “thất bại trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu”, trong khi ở Mỹ, hai mối nguy này cũng đã lọt vào top 10 năm nay. Các kiểu mẫu thời tiết thay đổi là một yếu tố ở Bắc Mỹ vào năm 2018, cơn “xoáy cực” (polar vortex) đã làm cho nhiệt độ giảm xuống cực kỳ thấp và tháng 1 năm ngoái được ghi nhận là một trong những tháng có tuyết rơi nhiều nhất cùng thời điểm qua các năm ở khu vực Great Lakes (Ngũ đại hồ), trong khi thời tiết ở bờ biển Bắc Mỹ lại ôn hòa bất thường. Đặc biệt hơn, tốc độ ấm dần lên ở Canada nhanh gấp đôi so với các khu vực khác trên thế giới, kèm theo đó là những tác động gây tổn hại đến cơ sở hạ tầng, sức khỏe con người nói chung và cuộc sống của người dân ở vùng duyên hải và phía Bắc nói riêng, hệ sinh thái và ngư nghiệp. Bên cạnh đó, nền kinh tế Canada phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch dưới dạng dầu thô, uranium và khí tự nhiên. Bất kỳ sự thay đổi toàn cầu nào đối với năng lượng tái tạo đều có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nó.
Nghịch lý này không chỉ là vấn đề của riêng Canada mà còn là tình trạng chung của nhiều khu vực và quốc gia khác. Trong khi các mối nguy về môi trường (như “hiện tượng thời tiết cực đoan” hay “thảm họa thiên nhiên”) là một trong những mối lo ngại hàng đầu tại các nước Mỹ Latinh, thì chúng lại vắng mặt trong các mối nguy hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Đây là một điều rất đáng chú ý. Các mối nguy môi trường khác, như mất đa dạng sinh học, không xuất hiện trong năm mối nguy hàng đầu đối với bất kỳ nền kinh tế riêng lẻ nào trong khu vực. Thật không quá khi nói rằng, cuộc chiến công khai giữa ông Bolsonaro (Tổng thống Brazil) và ông Macron (Tổng thống Pháp) không có gì là đáng ngạc nhiên. Việc tàn phá rừng ở Amazon đang thu hút rất nhiều sự chú ý. Nếu không được giám sát, điều này có thể trở thành rủi ro hàng đầu đối với nhiều doanh nghiệp trên thế giới, vì việc phá hủy rừng nhiệt đới làm cho các mối đe dọa như biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, rủi ro thương mại, rủi ro về sức khỏe, phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm uy tín của doanh nghiệp, ngày càng trầm trọng hơn.
Nghịch lý cũng tồn tại ở Úc, với hàng xuất khẩu chủ yếu là than đá, trong đó “cú sốc giá năng lượng” là mối nguy kinh doanh được đánh giá cao nhất, và xếp thứ 8 so với các mối nguy toàn khu vực. Úc là nước xuất khẩu năng lượng thuần (net energy) duy nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và giá cả năng lượng ở Úc vẫn không ổn định do nước này mở cửa thị trường khí đốt tự nhiên trong nước cho thương mại quốc tế, cùng với các vấn đề phân phối mạng lưới và đóng cửa một số nhà máy dùng nguyên nhiên liệu than. Thật trớ trêu khi nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon ở Úc đã đóng góp cho sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến đất nước dưới hình thức như hạn hán, cháy rừng và gây tổn hại đến rạn san hô Great Barrier – viên ngọc quý của ngành du lịch Úc.
Ở Nam Á, các giám đốc điều hành đã xếp hạng “khủng hoảng nguồn nước”, là mối nguy số một đối với hoạt động kinh doanh (tăng từ vị trí thứ năm vào năm ngoái), và xếp “cú sốc giá cả năng lượng” ở vị trí thứ 5. Nó được đánh giá là rủi ro hàng đầu ở Pakistan và Bangladesh. Khủng hoảng nước được xếp hạng là mối nguy lớn nhất ở Ấn Độ, xếp thứ 2 ở Pakistan và thứ tư ở Sri Lanka. Nam Á là nơi cư trú của khoảng một phần tư dân số toàn cầu, nhưng lại có chưa đến 5% nguồn nước tái tạo so với lượng nước tái tạo của thế giới, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực khan hiếm nước nhất. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nước của Nam Á được đầu tư theo tiêu chuẩn toàn cầu, gây khó khăn cho việc kiểm soát lũ lụt và hạn hán, theo dự kiến sẽ gia tăng theo biến đổi khí hậu.
Đồng thời, nhu cầu năng lượng ở Nam Á đang tăng lên khi dân số và nền kinh tế tăng trưởng. Khu vực này là nhà nhập khẩu thuần dầu thô và đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, ngay cả khi đang cố gắng điện khí hóa người dân ở nông thôn sử dụng năng lượng tái tạo. Ngành nhiên liệu hóa thạch được trợ cấp cao, điều này làm cho tác động của sự biến động giá cả thị trường ngày một trầm trọng hơn. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia Nam Á cần nắm bắt được năng lượng khử cacbon và các ngành sử dụng nhiều carbon quan trọng về kinh tế càng nhanh càng tốt để giảm thiểu khí thải nhà kính (GHG – Greenhouse gas), giúp làm chậm sự nóng lên toàn cầu và giảm tác động vật lý của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia của họ.
Cú sốc giá cả năng lượng: nguyên nhân tạo nên một thế giới với nền kinh tế yếu ớt
Một thông điệp rất rõ ràng từ Báo cáo Các mối nguy khu vực đối với việc kinh doanh là nền kinh tế thế giới đang ở một vị trí cực kỳ mong manh. Thời kỳ huy hoàng của chính sách nới lỏng tiền tệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không giải quyết được vấn đề nợ nần, mà chỉ kiểm soát nó. Các triệu chứng của nền kinh tế mong manh này đã trở nên rõ ràng hơn trong năm nay, với mức tăng trưởng thấp hơn và khoản nợ cao hơn làm tăng khả năng “khủng hoảng tài chính”, là mối nguy được đánh giá cao nhất trong báo cáo, tăng từ thứ sáu trong kết quả điều chỉnh năm 2018. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có liên quan mật thiết đến bốn trong số 10 rủi ro hàng đầu khác nằm trong mối quan tâm của các giám đốc điều hành. Chúng bao gồm thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, cú sốc giá cả năng lượng, thất bại trong quản trị quốc gia, và sự bất ổn xã hội sâu sắc.
Cú sốc giá cả năng lượng là mối nguy liên quan rõ ràng nhất đến rủi ro chuyển đổi, một rủi ro liên quan sâu sắc đến khu vực tư nhân - mặc dù nó có mặt trong các phản hồi vì những lý do khác nhau. Trong các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch, nó là mối nguy quan trọng nhất. Ở Trung Đông và Bắc Phi, mối nguy này xếp thứ nhất và khủng hoảng tài chính xếp thứ hai. Dầu và khí đốt vẫn là nguồn thu nhập chính của khu vực này, do đó, giá năng lượng giảm mạnh có thể đòi hỏi các chính phủ phải điều chỉnh chi tiêu thật khéo léo, và hơn nữa khi giá năng lượng được trợ cấp rất nhiều.
Không chỉ các nền kinh tế sản xuất dầu truyền thống bị ảnh hưởng. Rủi ro kinh doanh ở châu Âu so với năm 2018 là “cú sốc giá cả năng lượng”, đã tăng tám bậc để trở thành rủi ro lớn thứ tư, chiếm vị trí thứ nhất tại Serbia và xuất hiện trong top 5 tại 12 quốc gia khác, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha. Trong khi đó, chi phí chuyển tiếp từ nguồn năng lượng số một khu vực, là than, đến năng lượng xanh hơn có nguy cơ làm tăng thêm gánh nặng cho giá năng lượng. Cũng như khả năng cung cấp một quá trình chuyển đổi, trong đó các công việc trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon được thay đổi mà không làm cho hàng ngàn người rơi vào cảnh túng quẫn.